image banner
Tự hào chặng đường lịch sử vẻ vang 95 năm của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh

Vào mùa xuân lịch sử năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo bước ngoặt căn bản, làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc, thân phận của người dân và vị thế của đất nước. Đến nay, trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khơi dậy và kết hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sức mạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh của trong nước và quốc tế để lãnh đạo dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, khẳng định vai trò tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. 

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang sử mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối đúng đắn, dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi to lớn, vĩ đại.

Qua 15 năm lãnh đạo cách mạng (1930-1945), với ba phong trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945), khi thời cơ đến, Đảng nhanh chóng chớp lấy thời cơ, với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”, Đảng đã phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên cả nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên Nhân dân ta. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm 1945-1946, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền Nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9/11/1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám; đồng thời thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Đảng đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 -1975), sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật. Với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại. Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của Nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Song song với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân ta bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam có nhiều thuận lợi cơ bản, những cũng gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế - xã hội vừa chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cùng với quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài mô hình, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp và đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm; việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới với ba bước đột phá. Bước đột phá lần thứ nhất tại Hội nghị lần thứ 6 của Đảng khoá IV (8/1979) Đảng đề ra mục tiêu “làm cho sản xuất bung ra” hay nói cách khác “cởi trói cho sản xuất” nhằm tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Chủ trương này được cụ thể hóa bởi Nghị quyết 26 về cải tiến công tác phân phối lưu thông; Chỉ thị 100 CT/TW về cải tiến công tác khoán; Quyết định số 25/CP và Quyết định số 26/CP với nội dung đổi mới cơ chế đối với thành phần kinh tế quốc doanh. Bước đột phá lần thứ hai, tại Hội nghị lần thứ 8 BCHTW khóa V (từ ngày 11 đến ngày 17/6/1985) Đảng đã nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật và chủ trương dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy giá lương tiền làm khâu đột phá. Điểm quan trọng của Hội nghị lần là đã thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Bước đột phá lần thứ ba là những kết luận về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế vào ngày 20/9/1986 của Bộ Chính trị.  Những kết luận trên đây của Bộ chính trị là cơ sở để đổi mới và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội VI, là căn cứ để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời là sự đổi mới tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở việt nam, mở đường đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.

Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn. Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng; lãnh đạo để Quốc hội không ngừng bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa Hiến pháp, hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ, phù hợp cho quá trình đổi mới; lãnh đạo Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; với ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước, toàn Đảng, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực; thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã không ngừng nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới đất nước và đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh tổng hợp của đất nước, thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước từng bước giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ mùa xuân lịch sử năm 1930, đã tròn 95 năm Đảng ra đời và phát triển (1930 - 2025), đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, những kỳ tích mang tầm thời đại. Bước vào mùa xuân mới, với năng lực trí tuệ và tầm nhìn thời đại, Đảng tiếp tục quyết định đúng đắn và sáng suốt những chủ trương, nhiệm vụ chiến lược cho năm 2025 nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu và các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, tăng tốc bứt phá, hiện thực hóa chặng cuối của thời kỳ quá độ lên CNXH của đất nước. Tự hào với chặng đường lịch sử vẻ vang 95 năm là cơ sở để Đảng kiên định đường lối đổi mới, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, tr.267.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

 

image advertisement
 image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh