Di tích – Danh thắng - du lịch
DI TÍCH LỊCH SỬ
MIẾU ÔNG LÊ CÔNG TRÌNH
Ấp 4, Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An
Miếu ông Lê Công Trình - Dấu ấn cho tinh thần yêu nước của dân ta
Về xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hỏi miếu ông Lê Công Trình hầu như người dân nào cũng biết. Đó là địa chỉ thiêng liêng, nơi thờ phượng tín ngưỡng của người dân trong khu vực. Mỗi năm 1 lần vào ngày 15, 16 tháng Giêng, người dân Mỹ Thạnh Đông lại tổ chức lễ cúng Ông tại miếu. Trải qua hơn 100 năm nhưng thông lệ ấy không hề mai một.
Miếu ông Lê Công Trình tồn tại như biểu tượng cho tinh thần yêu nước của người dân Đức Huệ nói riêng và tỉnh Long An nói chung từ 100 năm trước đến nay. Giữa những năm tháng bị giặc Pháp đô hộ, người dân Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ vẫn dựng miếu và thờ cúng một vị tướng có công kháng Pháp (theo truyền thuyết).
“Chứng nhân” cho lòng yêu nước
Chuyện kể rằng, ông Lê Công Trình là một trong những vị tướng tham gia phong trào chống Pháp vào những năm 1860, khi thực dân xâm chiếm miền Nam. Một lần giao chiến ở Đồng Tháp Mười, ông cùng nghĩa quân rút dần về Đức Huệ. Cuối cùng, chỉ còn lại mình ông, sức cùng, lực kiệt đến vùng Giồng Đế (ngày nay thuộc ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) và hy sinh ở đó. Để ghi nhớ tấm gương người anh hùng dũng cảm, quyết chiến tới giây phút cuối cùng, người dân lập miếu thờ và tổ chức lễ cúng hàng năm.
Chuyện kể trên chỉ là truyền thuyết, không ai biết chắc chắn về quê quán, tuổi tác, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhưng miếu ông Lê Công Trình vẫn tồn tại bởi đó chính là biểu tượng cho lòng yêu nước, chống Pháp của người dân lúc bấy giờ. Và nơi ấy đã trở thành căn cứ quen thuộc của cách mạng trong suốt những năm kháng chiến.
Giai đoạn năm 1945, miếu Ông trở thành trụ sở của lực lượng Thanh niên Tiền phong Mỹ Thạnh Đông vừa mới thành lập. Đó được xem là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa tại địa phương vào Cách mạng Tháng Tám. Trong phong trào Đồng khởi, miếu ông Lê Công Trình là nơi trú đóng tạm thời của chi bộ Đảng và
các đoàn thể xã. Miếu Ông cũng là nơi mở lớp bình dân học vụ trong thời kỳ kháng Pháp. Đêm đêm, học viên mang đèn đến lớp mày mò học từng con chữ. Nhờ vậy mà Mỹ Thạnh Đông xóa được giặc dốt. Từ nơi chỉ có vài chục người biết đọc, biết viết, lớp bình dân học vụ tại miếu Ông đã giúp đa số dân Mỹ Thạnh Đông biết chữ.
Miếu ông Lê Công Trình còn được chọn làm địa điểm míttinh, tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng của Ban Thông tin xã. Bên cạnh đó, miếu ông Lê Công Trình còn là nơi lập tòa án nhân dân xử tội và kết án tử hình những tên phản bội ác ôn có nhiều nợ máu với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mỹ Thạnh Đông.
Là một phần cuộc sống của người dân Mỹ Thạnh Đông
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, miếu ông Lê Công Trình vẫn được người dân Mỹ Thạnh Đông trùng tu, chăm sóc, trở thành nơi tín ngưỡng linh thiêng, không thể thiếu trong nếp sinh hoạt đời thường. Đến thăm miếu Ông, chúng tôi thấy khói nhang còn cháy dở, mâm quả bày cúng trên bàn vẫn tươi nguyên. Ngôi miếu nép dưới những tán cây râm mát. Khuôn viên miếu khá rộng và luôn mở cửa đón người đến thắp nhang.
Miếu Ông thực sự trở thành một phần cuộc sống của người dân Mỹ Thạnh Đông, là chứng nhân cho tinh thần yêu nước, kiên trung trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Và cứ độ 15, 16 tháng Giêng, người dân Mỹ Thạnh Đông lại nhắc nhau sắm sang lễ vật đến cúng Ông, một vị tướng vì nước quên thân, vừa để nhắc nhở về truyền thống, vừa cầu mong đức Ông chở che, bảo vệ cho xóm làng bình yên, no ấm./.
DI TÍCH LỊCH SỬ " ĐỊA ĐIỂM ĐẾ QUỐC MỸ THẢM SÁT NHÂN DÂN VÀM RẠCH GỐC"
Rạch Gốc là một con rạch nhỏ chảy từ sông Vàm Cỏ Đông và trong vùng bưng, thuộc xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Do lòng rạch quanh co, nước chảy siếc nên lâu ngày đất ở hai bên bờ rạch bị xói lở, cây cối bị trốc gốc, lòi rễ vì thế nên nhân dân thường gọi là Rạch Gốc.

Do thường thất bại trong những cuộc chiến đối đầu cùng các chiến sĩ Cách mạng, Mỹ ngụy địa phương quân tại huyện Đức Huệ đã triển khai phương án tác chiến “đánh vào dân”. Chúng huy động toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền về Đức Huệ thực hiện kế hoạch gom dân vào Ấp chiến lược, tách rời dân và Cách mạng. Nhưng nhiều người dân đã tìm cách trở về nhà cũ để làm nương rẫy, âm thầm hoạt động ủng hộ tiếp tế cho Cách mạng. Vì thế để khủng bố tinh thần bà con, Mỹ ngụy đã nhẫn tâm sát hại mọi người tại Vàm Rạch Gốc, xã Mỹ Thạnh Đông.Tại nhà ông Võ Văn Cứng, đầu Vàm Rạch Gốc, ngày 27/11 năm Mậu Thân (15/1/1969), Chúng đưa 22 bà con và bảy hộ gia đình xuống hầm, thực hiện phương thức tàn ác giết từng người một. Sau đó, chúng đã chất 16 thi thể chận ngang miệng hầm và ném lựu đạn cay vào trong để mọi người không ai sống sót. Và để thủ tiêu nhân chứng vật chứng, chúng đã cho máy bay thả pháo sáng trên nóc hầm thiêu cháy tất cả thi thể. Cuộc thảm sát 16 người (trong đó gồm có người già, phụ nữ, trẻ em và cả thai nhi) đã để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng người ở lại.
Chiến tranh đã đi qua, niềm đau còn đó khi đứng trên mảnh đất thân thương đầy máu và nước mắt của người xưa, và còn đó những tiếng kêu đau thương tuyệt vọng của những trẻ em trong các trận chống càn, của những người phụ nữ trẻ đơn thân tiễn đưa chồng đi làm cách mạng đã hy sinh.
Địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân Vàm Rạch Gốc là nơi ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù, là bằng chứng hùng hồn nhất để tố cáo bản chất cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã tiến hành tại Việt Nam.
Địa điểm thảm sát Vàm Rạch Gốc đã đi vào lịch sử với tính chất là một trong những cuộc thảm sát với thủ đoạn đã man, tàn độc nhất của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Mỹ Thạnh Đông nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. là bằng chứng cho tinh thần quật khởi, lòng yêu nước, quyết tâm bám đất, bám làng, ủng hộ sự nghiệp cách mạng cao cả của người dân Rạch Gốc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung dù biết rằng họ phải trãi qua những đau thương, mất mắc không gì bù đấp được.
Với những giá trị trên, di tích lịch sử "Địa điểm đế quốc Mỹ thảm sát nhân dân Vàm Rạch Gốc ngày 27/11 năm Mậu Thân (15/1/1969)" xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ đương thời và mai sau.